Tin tức mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Tuyên truyền phòng chống nạn buôn người; buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo và các vật liệu cháy nổ

Ngày 19/12/2022, Trường THPT số 3 Bảo Thắng phối hợp với Đoàn Công an huyện Bảo Thắng tổ chức Tuyên truyền phòng chống nạn buôn người; buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo và các vật liệu cháy nổ cho học sinh nhà trường.

Tham gia buổi tuyên truyền, về phía Đoàn công an huyện có đồng chí Thiếu úy Mai Văn Trung - Phó bí thư Đoàn công an Huyện, đồng chí Thượng úy Bàn Văn Thiện, đồng chí Trung úy Trần Cao Cường – Cán bộ công an huyện Bảo Thắng. Về phía nhà trường, có cô Vi Thị Hoài Mơ – Phó bí thư Chi bộ, phó Hiệu trưởng nhà trường, thầy Cao Duy Hùng – Phó hiệu trưởng nhà trường, cùng các thầy cô giáo và hơn 500 học sinh.

anh tin bai

  Quang cảnh buổi tuyên truyền

Mở đầu buổi tuyên truyền, đồng chí Trung úy Trần Cao Cường đã thông tin cho thầy cô và học sinh nhà trường nhiều nội dung quan trọng về tội phạm buôn bán người hiện nay. Đồng chí Cường cho biết:

Trong những năm qua, tình hình tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ, quy mô. Đây là loại tội xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, quyền tự do, quyền con người và được pháp luật chế tài với các quy định rất nghiêm khắc. Qua công tác điều tra cơ bản lực lượng công an cả nước đã xác định nhiều tuyến và địa bàn trọng điểm, phức tạp mà tội phạm mua bán người thường lợi dụng hoạt động như: tuyến giao thông Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội  - Quảng Ninh, Hà Nội - Lào Cai và các đường mòn cửa khẩu trên biên giới phía Bắc và phía Tây Nam Lào, Campuchia…

Thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi và phức tạp. Phần lớn các vụ mua bán người đều do các tổ chức đường dây tội phạm thực hiện, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước, với nhiều thủ đoạn hứa hẹn việc làm, môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi.

anh tin bai

Đồng chí Trung úy Trần Cao Cường tại buổi tuyên truyền

Trên địa bàn huyện Bảo Thắng, tình trạng phụ nữ bị buôn bán qua biên giới, phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương xảy ra, gây những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội ở nhiều xã, thị trấn. Theo số liệu thống kê từ năm 1998 đến tháng 9/2010, trên địa bàn huyện Bảo Thắng có 359 phụ nữ vắng mặt tại địa phương. Trong đó: 67 phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc; 32 phụ nữ bị nghi lừa bán sang Trung Quốc; số phụ nữ tự nguyện lấy chồng Trung Quốc là 43 người; số phụ nữ tự ý bỏ đi Trung Quốc làm ăn là 141 người; số phụ nữ tự bỏ đi khỏi địa phương không rõ nguyên nhân là 65 người... Đáng lưu ý là những con số trên có dấu hiệu gia tăng theo các năm. Từ năm 1998 đến 2005 mới có 144 phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc hoặc lấy chồng Trung Quốc. Nhưng từ năm 2005 đến tháng 9/2010, đã có thêm 215 phụ nữ. Nạn nhân chủ yếu của những đường dây buôn người thường là con em đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung ở nông thôn, vùng cao, vùng xa, vùng biên giới, nơi có điều kiện sống còn khó khăn. Các đối tượng buôn bán phụ nữ, trẻ em đã lợi dụng sự sơ hở về quản lý đăng ký tạm trú, thông báo tạm vắng của chính quyền cơ sở, sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin của nhiều phụ nữ, lợi dụng tình cảm của những cô gái trẻ, đưa ra viễn cảnh mời làm các công việc nhàn hạ, thu nhập cao, gia đình giàu có sung sướng để lừa gạt.

Thực tế, hầu hết phụ nữ, trẻ em bị lừa bán ép buộc phục vụ mại dâm, làm vợ bất hợp pháp, buộc phải làm việc trong điều kiện tồi tệ, bị bóc lột sức lao động... Do tình trạng nhập cư trái phép, bất đồng về ngôn ngữ, họ phải sống lén lút, mất quyền tự do, nhân phẩm bị chà đạp. Nhiều phụ nữ sau khi biết mình bị lừa đã tìm cách trốn về Việt Nam với sức khỏe bị giảm sút, mắc các bệnh xã hội, tâm lý bi quan, mặc cảm. Các đối tượng buôn người ngày càng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi phạm tội. Nạn nhân của tội phạm buôn người là trẻ em, phụ nữ, học sinh THCS, THPT, không giới hạn độ tuổi và giới tính.

Theo đồng chí Cường, để không trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người, trước hết bản thân mỗi học sinh cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để tội phạm hoạt động.

Hãy tham khảo ý kiến của mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa. Đặc biệt cần cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Luôn đặt nghi vấn trước những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có.

Với nội dung tuyên truyền phòng chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo và các vật liệu cháy nổ, đồng chí Thượng úy Bàn Văn Thiện cho biết:

Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ. Như vậy, pháo nổ ở đây bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ, trong đó, pháo nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ (pháo bánh, pháo quả khi đốt gây ra tiếng nổ); pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, thuốc phóng, thuốc pháo hoa, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian (pháo hoa nổ do lực lượng Quân đội bắn vào các ngày lễ, tết, sự kiện chính trị lớn của đất nước, được Thủ tướng Chính phủ cho phép; các loại pháo dàn mà một số đối tượng đã mua, đốt trái phép gây ra tiếng rít, tiếng nổ và màu sắc trong không gian vào các dịp tết như pháo dạng hộp loại 36 ống, 49 ống, 16 ống). Các loại pháo này tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định 137 quy định: Nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ đối với các trường hợp: Tết Nguyên đán, Ngày Quốc khánh 02/9, Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ 07/5, Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế, những trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

anh tin bai

Đồng chí Trung úy Bàn Văn Thiện tại buổi tuyên truyền

Mọi người dân tự ý thực hiện các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ đều là trái phép, (sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, ATXH phạt tiền từ 1.000.000đ đến 2.000.000đ, đối với hành vi Sử dụng pháo mà không được phép; phạt tiền từ 5.000.000đ đến 10.000.000đ, đối với hành vi Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm hoặc xử lý hình sự về tội Sản xuất, buôn bán hàng cấm quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự năm 2015).

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định thì: Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Như vậy, pháo hoa ở đây được hiểu là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng đốt chỉ phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ(pháo hoa không có thuốc pháo nổ là các sản phẩm như: Que, nến khi châm lửa đốt phụt ra các tia sáng đủ màu sắc).

Về sử dụng pháo hoa thì tại Điều 17 Nghị định 137 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. (đó là các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng )

Trường hợp mua, sử dụng pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được phép kinh doanh thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ; trường hợp nếu đốt pháo tại nơi công cộng mà gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự thì có thể bị xử lý hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015. Mọi người dân tự ý thực hiện các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ đều là trái phép, sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc theo quy định của pháp luật....

Chào xuân mới và mừng Tết nguyên đán cổ truyền của dân tộc, mỗi học sinh cần phải thực hiện tốt các vấn đề sau:

1. Không sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và đốt các loại pháo, không tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, thường xuyên thực hiện nghiêm túc Nghị định 137/2020/NĐ-CP 1 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán .

2. Tuyên truyền, vận động người thân và mọi người xung quanh không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt các loại pháo; không tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ.

3. Nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm các quy định về phòng chống pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ, mỗi người hãy báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý kịp thời theo pháp luật.

Nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống các loại pháo, vũ khí, vật liệu nổ là góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá, mừng Đảng, mừng xuân, đón mừng năm mới vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.

Buổi tuyên truyền là hoạt động quan trọng, nhằm thực hiện kế hoạch tuyên truyền giáo dục pháp luật trong năm học 2022-2023 cho học sinh nhà trường. Qua buổi tuyên truyền, học sinh nhà trường đã nắm vững hơn, rõ hơn các quy định của pháp luật, cũng như các kỹ năng phòng chống nạn buôn bán người, phòng chống sử dụng, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo và các vật liệu cháy nổ.

 

Thầy giáo Trần Đình Long
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image